Now Reading
Bâng Khuâng Mùa Hoa Nhớ…

Bâng Khuâng Mùa Hoa Nhớ…

 

NHỮNG NGÀY THÁNG THƠ ẤU

Với một cô bé học tiểu học sinh ra ở thành phố, mùa hè là thời gian thú vị nhất. Chẳng có nỗi buồn hoa phượng làm lòng man mác sầu, chẳng quan tâm đến “tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng” (Nỗi buồn hoa phượng- Thanh Sơn) vì sau khi xếp cặp sách vào một góc, mình sẽ được về quê ngoại hai tuần, được đắm chìm trong không gian của miền Tây sông nước bao la, trong khu vườn rợp bóng cây với tiếng chim chìa vôi ríu rít làm tổ và tiếng cá quẫy đuôi nơi chiếc ao phía sau nhà.

Mùa hè lớp Năm, sau khi thi đậu vào lớp Sáu một trường nữ trung học danh tiếng, phần thưởng mình nhận được là kỳ nghỉ hè ở quê ngoại dài đến một tháng. Khỏi phải nói, mình đã háo hức như thế nào. Nhớ, chị Mai chở mình trên chiếc xe đạp lọc cọc, yên sau không có nệm, chạy vào con đường đất, tay lái chị loạng quạng thế nào mà “oạch” một phát, hai chị em té nhào. Lúc mình đang cúi xuống phủi quần áo lấm lem, vừa xuýt xoa vì vết trầy xước, vừa cố kềm những giọt nước mắt, bỗng nghe một giọng nói: “Ê, có đau lắm không nhỏ? Ngước lên, trước mặt là một tên con trai trạc tuổi mình, da rám nắng đang cười cười phát ghét. Chị Mai bảo: “Sửu, đứng đó mà cười hả? Cho chị mượn thuốc đỏ, bông gòn đi chớ”. Vậy là mình quen hắn. Chơi với hắn có nhiều điều thú vị khác hẳn với các bạn nữ của mình lúc đó. Sửu dắt mình đi bắt dế, những con dế than đen tuyền gáy rân cả một góc vườn. Nhưng khi Sửu nói dế cơm moi ruột nhét hột đậu phộng vào rồi nướng ăn ngon lắm thì mình phản đối kịch liệt. Sửu dắt mình vào ngôi trường tiểu học của xã. Dường như đó là lần đầu tiên mình xúc động trước sắc màu phượng đỏ. Cây phượng của ngôi trường đơn sơ nơi miền quê toả bóng mát rợp cả một khoảng sân đất rộng. Bóng nắng lung linh xuyên qua kẽ lá, hoa phượng rực rỡ trên cây và cánh phượng rơi đầy quanh gốc. Mặc cho mình đang ngẩn ngơ, bất chợt Sửu phá tan giây phút chớm biết mộng mơ của cô bé mười một tuổi: “Ê nhỏ, chơi đá gà không?”. Thiệt là cụt hứng! Thế nhưng, trò chơi đá gà bằng nhuỵ hoa phượng dường như có sức hút lạ kỳ. Tiếng cười nắc nẻ vang lên khi hai đứa chụm đầu tập trung, cố làm sao thắng được đối phương. Chơi chán chê, Sửu nằm xoài dưới gốc phượng nghêu ngao: “Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn…” (Nỗi buồn hoa phượng – Thanh Sơn) rồi bật ngồi dậy hỏi: “Sài Gòn chắc nhiều chỗ vui lắm hả nhỏ? Tui ước một lần được lên đó đi chơi Sở Thú, đi coi hát bóng”. Lúc đó, không hiểu sao mình mạnh miệng nói: “Ừ, mùa hè, Sửu lên Sài Gòn, tui sẽ nói Ba Mẹ tui dắt tụi mình đi chơi”.

 

Khi người ta không còn trẻ,

ký ức thường như mạch

nước ngầm, chỉ cần khơi gợi

một chút thôi là trở thành

miền nhớ, miên man.

THỜI HOA NIÊN NHIỀU MƠ MỘNG

Trở lại Sài Gòn, khoác lên mình chiếc áo dài trắng đầu tiên để bước vào năm học mới, tự dưng thấy mình lớn hẳn lên. Ngày tựu trường lớp Sáu, mình đã yêu ngay ngôi trường cổ kính với mái ngói rêu phong, tường vôi vàng, những cầu thang gỗ nhuốm màu thời gian, yêu những con đường thơ mộng rợp bóng cây và yêu cây phượng vĩ xoè tán rộng mà tuổi đời của nó phải từ vài chục năm có lẻ.

Dưới bóng mát của cây phượng là những chiếc ghế đá. Giờ chơi, nếu không nhanh chân thì sẽ chẳng còn chỗ để ngồi. Năm lớp Bảy, phòng học của lớp mình ở trên lầu. Hành lang dài và hẹp, không có ban công, chỉ có những ô cửa sổ nhìn xuống sân trường. Một sáng đầu tháng tư, đứng ở ô cửa ấy, chợt nhận ra tán lá phượng xanh tựa như chiếc dù đã điểm xuyết bằng những cánh hoa đỏ rực. Bất chợt xao lòng nhớ bóng phượng nơi trường tiểu học ở quê ngoại xa xôi.

Năm 1975, thời cuộc đổi thay, cuộc sống có nhiều xáo trộn lớn. Mãi đến bốn mùa hè sau, mình mới trở về quê. Chị Mai bảo, gia đình Sửu đã đi đâu không biết, giờ chẳng ai liên lạc được với họ. Mình đã không quay lại ngôi trường tiểu học ấy bởi rất sợ phải tần ngần, hụt hẫng khi đối diện với cảnh cũ, với xác phượng hồng và lời hứa còn dang dở…

Thời gian thắm thoát thoi đưa. Cô bé tóc bum bê ngày nào giờ tóc thề xoã ngang vai, đã biết gửi những mộng mơ vào trang nhật ký viết chung cùng cô bạn thân, đã tưởng tượng ra hình ảnh một bạch mã hoàng tử ôm đàn guitar hát “Anh đến với em vào một ngày trời đẹp nắng. Một ngày phượng hồng thắm trong đôi mắt buồn xa xăm…” (Phượng buồn – Nguyễn Vũ). Lớp Mười hai, những buổi chiều vào trường ôn bài thi, mình hay ngồi lặng yên nơi ghế đá sân trường, ngước lên nhìn sắc phượng hồng đang lấn dần sắc lá xanh. Bâng khuâng buồn và băn khoăn lo lắng cho tương lai khi xa trường, rời lớp. Bất chợt mình cúi xuống, tìm vài bông phượng có sắc đỏ pha trắng, phơn phớt màu vàng, chọn những nhuỵ hoa cong cong rồi xếp thành cánh bướm ép vào quyển lưu bút cô bạn cùng lớp vừa mới đưa.

Giã từ nhé, ngôi trường thân yêu gắn bó với mình suốt bảy năm trung học. Giã từ nhé, gốc phượng già đã chứng kiến bao vui buồn của tuổi hoa niên nhiều mơ mộng. Giã từ nhé, những cành phượng hồng đang vẫy tay tiễn đưa tuổi mười tám bước vào đời.

HẠ THƯƠNG NƠI XỨ XA

Bây giờ, nơi mình đang sống mùa hè không có phượng hồng, chẳng có tiếng ve râm ran mỗi độ hè về. Những sắc màu hoa khác dù rực rỡ đến đâu, dường như với mình, vẫn không thay thế được màu hoa học trò nơi quê nhà báo hiệu xuân qua hạ tới.

Năm ngoái, mình qua Arizona, đúng vào lúc phượng tím đang rợp trời hạ vàng. Từ sân sau nhà của người bạn, nơi bến nước, cây phượng tím đang trổ hoa. Màu tím ấy càng gợi nhớ da diết sắc đỏ phượng vĩ. Đã bao lâu rồi nhỉ, mình chưa bước đi trên con đường hai bên là hoa phượng để lắng nghe tim mình thổn thức chuyện ngày xưa?

Bạn nói với mình, ngày mai sẽ có thợ đến sửa lại hàng rào. Buổi sáng, bạn phải đi làm nên nhờ mình mở cửa cho thợ vào. Bạn dặn dò: “Anh thợ này người Việt, quen với gia đình, rất thật thà, làm việc cẩn thận nên chẳng cần phải ngó chừng gì cả nhé”. Mình bắc ghế ra ngồi gần đó, vừa ngắm cảnh, vừa sẵn tiện tán gẫu với anh trong lúc chờ bạn đi làm về. Chuyện lan man không đầu không đũa nhưng cũng vui vui vì toàn nhắc chuyện ở Việt Nam, chuyện nào cũng bắt đầu bằng từ “hồi xưa, hồi đó”.

Rồi tụi mình đi chơi đến mấy ngày. Lúc về đến nhà bạn, tiện tay mình lấy luôn thư trong thùng thư ra. Chợt thấy có một bao thư không dán tem đề tên mình. Ngạc nhiên hết sức, mình mở ra xem. “Chắc Nguyệt Minh không nhận ra tui đâu nhưng chỉ qua vài câu chuyện Minh kể về mùa hè quê ngoại, tui đã biết chính xác là Minh rồi”. Trong thư còn có hai cánh bướm phượng nâu màu thời gian và một tấm thiệp hình Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã ố vàng, lật ra phía sau là mấy câu trong bài hát Hoa học trò (nhạc Anh Bằng, thơ Nhất Tuấn): “Bây giờ còn nhớ hay không? Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa. Ngây thơ anh rủ em ra. Bảo nhặt hoa phượng về nhà chơi chung…”

Bài: Trân Lan

Nguồn: Tạp Chí Ngọc Viễn Đông, Summer 2020 Issue

Read more
Xi-Nê Sài Gòn Xưa

  Ngày xưa người ta đi xem phim thảnh thơi, thoải mái, thú vị thế nhỉ. Người ta đến rạp Read more

Người Trẻ Gìn Giữ Sài Gòn Phần 2

Những tưởng chỉ những người con sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn mới biết thương vùng đất này. Read more

Nhịp Sống Trẻ

Nơi khu chung cư cũ... Chung cư Tôn Thất Đạm là một địa chỉ quen thuộc với những người trẻ. Read more

Chè Sài Gòn, Muôn Vị Từ Muôn Nơi

Trời Sài Gòn nắng chang chang, được thưởng thức một ly chè chắc là “đã” lắm! Chợt nhớ ở Việt Read more

View Comments (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published.

© 2021 Ngọc Viễn Đông Magazine. All Rights Reserved.