Now Reading
Người Lưu Giữ Dấu Chân

Người Lưu Giữ Dấu Chân

Tôi tình cờ được biết nghệ nhân làm giày Trịnh Ngọc qua chương trình “Việt Nam mến yêu” phát sóng trên đài truyền hình Vĩnh Long. Quá đỗi bất ngờ với một ông lão đã 89 tuổi mà vẫn miệt mài làm giày thủ công, một vài phút phim ngắn ngủi về ông đã không thỏa mãn trí tò mò của tôi. Tôi bèn lên mạng Internet rồi lần tìm đến tiệm giày Trịnh Ngọc để được nghe ông kể chuyện. 

Tiệm Ngọc Chaussures nằm khiêm tốn trên đường Lý Chính Thắng sầm uất, chắc hẳn cũng là địa chỉ quen thuộc của những Việt kiều từng sinh sống ở Sài Gòn. Đôi giày do ông làm ra chất lượng và tinh tế thì ai cũng đã biết. Nhưng cuộc đời như bản hùng ca của ông thì chắc chưa có nhiều người hay.

Trịnh Ngọc

THUỞ THIẾU THỜI RỰC RỠ Ở NAM VANG

Ông Trịnh Ngọc sinh năm 1931 tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Bạc Liêu. Năm 1945, khi thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương, thân phụ của ông Ngọc quyết định đưa gia đình đi di tản để được an yên. Từ Bạc Liêu, cả gia đình gồm mười mấy người “rồng rắn” tới Sóc Trăng, Cần Thơ, Châu Đốc vì có bà con ở đó. Nhưng rồi cũng không được yên, cả nhà lại xuống Hà Tiên rồi lưu lạc qua tỉnh KamPot ở Campuchia. Nói về giai đoạn gian truân này, ông bồi hồi: “Bác còn nhớ khi cả nhà tới nơi thì đã là 30 Tết!”.

Sau đó, cả gia đình chuyển đến Nam Vang (nay là Phnom Penh) nơi có cô Tư ông sinh sống. Cả nhà ông lúc này ai cũng phải bươn chải để kiếm sống. Chị gái ông, từ một nữ sinh trường Áo Tím danh giá, nay không còn được đi học nữa mà phải học may kiếm sống. Anh trai ông học nghề va-li và cạnh xưởng làm va-li này lại có một xưởng đóng giày. Năm đó chỉ mới 14 tuổi, ông Ngọc đã có óc quan sát và nhận định rất sắc bén. Ông thấy rằng nghề giày tạo ra sản phẩm nhỏ gọn hơn va-li nhưng bù lại phải có kỹ thuật cao. Ông cảm thấy con đường làm giày hợp với mình và bén duyên với nghề từ đó. Ban ngày ông phụ gia đình làm việc nhà, ban đêm lại len lén tới tiệm giày học lỏm và tự làm giày. Năm 1950, cả gia đình ông gom góp mở một tiệm bán đồ da mang tên Đức Phát (ghép tên hai người anh của ông) ngay khu phố Tây mới thành lập tại trung tâm Nam Vang để bán va-li, túi xách, thắt lưng và có luôn giày do ông Ngọc làm. Tính ra đây cũng là một may mắn cho ông và gia đình, vì hồi nào giờ Nam Vang là một thành phố cũ, nhưng ngay khi nhà ông mở tiệm thì khu phố Tây này ra đời. Một kỷ niệm vui mà ông Ngọc còn nhớ về vị trí đắc địa này là tiệm ông đối diện cửa hàng xe hơi Jean-Compte (Peugeot) nổi tiếng. Khi đó, ông đi xe của hãng, còn chủ hãng lại mang giày của ông.

Khi mới ra tiệm, ông Ngọc xác định rất rõ khách hàng chính của mình là những người thuộc tầng lớp trung lưu như công chức, người ở các tòa đại sứ. Khi đó, người Pháp ở đây rất nhiều và họ chỉ mang giày mua từ Pháp và Ý chứ không mang giày do người bản địa làm ra. Nhưng khi giày bị hư, họ không thể bay về Pháp để mua nên đến nhờ ông Ngọc sửa. Với bản tính ham học hỏi, trong quá trình sửa giày, ông Ngọc lại tự mày mò học về kỹ thuật làm giày của các nước Âu châu vốn đang cao hơn kỹ thuật của ông đang có rất nhiều. Từng chút, từng chút một, như câu ngạn ngữ Pháp mà ông nằm lòng “Petit à petit l’oiseau fait son nid”, dần dà, kỹ thuật làm giày của ông cũng nâng cao đáng kể, áng chừng đâu đó khoảng 90% chất lượng đôi giày mà khách Tây mua từ Âu Châu. Khi làm ra được đôi giày ưng ý nhất, ông đem chưng trong tủ và bắt đầu thu hút sự chú ý của khách Tây.

Từ từ, rất nhiều người Tây kéo đến tiệm ông đặt giày, mẫu mã vừa ý mà giá phải chăng. Tiếng lành đồn xa, ông Ngọc dần trở thành người làm giày cho tầng lớp thượng lưu trong xã hội, phải kể đến các chính khách cao cấp và người khách đặc biệt là Quốc vương Campuchia thời đó – ngài Norodom Sihanouk. Quốc vương đã cho xe đến rước ông Ngọc vào hoàng cung đo chân và đặt rất nhiều đôi. Trong sự kiện trọng đại của hoàng gia, đón tiếp Tổng thống Pháp Charles De Gaulle, ông đã được chọn làm nghệ nhân làm giày cho Quốc vương lẫn vua cha, Hoàng hậu và nhiều người khác trong hoàng cung.

Có thể nói khoảng năm 1965 – 1970 là thời hoàng kim của gia đình ông khi tiệm ông có khách ra vô nườm nượp, xưởng của ông cũng có tới mười mấy nhân công. Bất ngờ, ngày 18.3.1970, một biến cố chính trị đã ập xuống Campuchia và gián tiếp làm cho cuộc đời ông gần như rơi xuống vực thẳm. Hoàng thân Norodom Sihanouk bị lật đổ và các Việt kiều Kampuchia như ông bị tàn sát. Ông Ngọc đã bỏ hết của cải để chạy về Sài Gòn thoát thân. Ông còn nhớ đêm đó ông và một nhóm người bị vây bắt tại nhà. 28 người bị giết, chỉ còn mình ông sống sót, trong đó có ông Trần Văn Bảo, chủ nhà sách Bảo Toàn, chủ báo Trung Lập và là một Việt kiều Campuchia nổi tiếng thời bấy giờ.

TRỞ VỀ QUÊ HƯƠNG... XA LẠ

Trở về Sài Gòn, ông cư trú tại nhà của thân phụ trên đường Phát Diệm. Hai bàn tay trắng, không thể làm giày vì tất cả công cụ, trang thiết bị ông đã để lại ở Nam Vang. “Nghề giày không phải như nghề may, chỉ cần cái máy, cây thước, cây kéo là làm được. Nghề giày phức tạp hơn nhiều”, ông Ngọc kể. Tất cả các form giày, vật dụng, nguyên liệu da, thợ thầy cũng không còn và nhất là khách thì không còn một ai. “Về Sài Gòn, dù là quê hương nhưng tất cả đều rất xa lạ với bác.” – ông Ngọc bồi hồi nhớ lại. Không thể làm giày, ông chọn mưu sinh bằng nghề vẽ. Sau một thời gian tích cóp, ông lại tiếp tục làm giày, đi chào hàng ở thương xá Tax, Crystal Palace và một vài shop hàng ngoại cao cấp ở Quận 1. Ngộ một điều là kỹ thuật làm giày của ông lúc này tương đương với các đôi giày ngoại nhập được bày bán ở các trung tâm thương mại cao cấp ở Sài Gòn. Đó cũng là lẽ khiến cho ông nhanh chóng được khách hàng biết đến. Ông hóm hỉnh kể: “Nhà bác ở 115/1 Phát Diệm, mang tiếng trên một nhưng nằm tuốt sâu trong hẻm. Hồi nào giờ cái hẻm bình thường, từ khi có mình về làm giày, khách hàng đi xe hơi tới đông đúc, làm cái hẻm tự nhiên tấp nập, kể ra cũng tự hào.”

Gầy dựng lại từ hai bàn tay trắng, không bao lâu là tới năm 1975. Ông nói: “Năm đó, bác với bác gái ra khu trung tâm như khu chợ Bến Thành, ngồi nhìn xung quanh, thấy người ta không dám mang giày, chỉ dám mang dép mà cũng chỉ là dép cao su chứ không phải dép da. Bác nghĩ chắc mình đã hết duyên với nghề giày từ đây…”

Chọn ở lại thay vì ra đi, sau đó không lâu, ông Ngọc được mời vào làm ở Nhà máy Giày Sài Gòn (Hãng giày Bata cũ), lo việc thiết kế và đào tạo. Năm 1992 ông về hưu, mở tiệm Ngọc Chaussures trên đường Lý Chính Thắng. Ông nói với gia đình mình làm tới năm 2000 thôi nhưng không hiểu sao khách cứ tới để ông ở cái tuổi 89 mà vẫn còn cần mẫn với từng đôi giày.

Trịnh Ngọc

YÊU VẺ ĐẸP TỰ DO

Một trong những điều khiến cho đôi giày do ông Ngọc ra làm luôn tinh tế và êm chân là nhờ form giày, vốn là “linh hồn” của một đôi giày đẳng cấp. Những thợ làm giày khác thường tự mua form sẵn, na ná với chân khách và làm giày trên form đó. Ông Ngọc đặc biệt hơn ở chỗ ông tự làm form. Đến thăm ông, chúng tôi tận mắt chiêm ngưỡng khúc gỗ đầu tiên do ông đẽo làm form thuở mới vào nghề. Hỏi sao ông không đặt form cho khỏe, ông lý giải: “Tánh bác vầy nè, mình nhờ người ta làm, mình phải phụ thuộc vô người ta. Khi mình cần, người ta chưa xong, mình phải đợi thì mất thì giờ của mình. Với lại người ta làm đôi khi không vừa ý bác, nên bác tự làm luôn.” Một vài form kỷ niệm mà ông còn lưu giữ có form của Quốc vương Norodom Sihanouk hay ông Dominic Price, Nguyên giám đốc ngân hàng JP Morgan tại Việt Nam, vừa là bạn vừa là khách hàng của ông.

Chỉ bấy nhiêu cũng đủ thấy ông Ngọc tận tâm và yêu thích sự tự do khi làm nghề. Còn nhớ Sài Gòn trước 1975, có một công tử nhà giàu đến đặt giày chỗ ông Ngọc. Anh đến, cầm theo cuốn catalogue và nói những câu đại loại như: “Chú làm cho con theo form này, thêm cái này, đính cái kia giống mẫu này nè…” Nghe xong, ông Ngọc từ chối. Anh kia hơi ngạc nhiên, đòi trả tiền gấp 2, gấp 3 với

giá thường nhưng ông cũng từ chối. Ông nhớ lại những lời từ tốn nói với chàng thanh niên kia: “Xin lỗi cậu cho tôi nói, cậu đến đặt giày, cậu có quyền của cậu. Còn tôi là người làm giày, cũng xin cậu trao cho tôi cái quyền của tôi, là được chọn lựa và từ chối. Những yêu cầu của cậu đặt ra, tôi xin lỗi nhưng thật tình là nó hơi phản thẩm mỹ nên cậu có trả gấp 5 hay nhiều hơn, tôi cũng không làm được”. Tưởng rằng sau đó, chàng khách này sẽ không bao giờ quay lại tiệm giày ông Ngọc nhưng anh đã “xuống nước” và nhờ ông gợi ý làm như thế nào là hợp. Không chỉ vậy, từ đó, ông còn được “lên chức” làm nhà tư vấn thời trang vì mỗi khi anh chọn giày và vest đều hỏi ý ông. Chàng thanh niên nhà giàu còn quý mến ông đến mức thường xuyên mời ông đi nghỉ mát.

Lại nhớ có một doanh nghiệp Đài Loan có duyên gặp ông, quá sức ấn tượng trước sự am tường kỹ thuật và tài nghệ của ông, họ đã theo ông sáu tháng trời để thuyết phục ông hợp tác mở xưởng giày tại Việt Nam với thu nhập ngất ngưởng. Ông tâm tình với tôi: “Lúc đó bác nghĩ vầy nè, con coi có đúng không. Hợp tác với họ đúng là mình có thu nhập cao thiệt, nhưng khi đó mình lại phụ thuộc vô họ, có khi mình phải làm theo ý họ. Đó là điều bác không muốn vì mình không được tự do làm nghề nữa. Chắc vì vậy mà bác chỉ hợp với làm nghệ nhân chứ không làm được doanh nhân.”

ĐÔI GIÀY THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI

Kỳ thực trong cả đời làm giày, ông Ngọc không chỉ làm giày cho tầng lớp thượng lưu quyền quý mà còn làm giày cho cả người khuyết tật. Tất cả xuất phát từ tấm lòng ông như muốn nâng đỡ cho những hoàn cảnh kém may mắn.

Đáng nhớ nhất là đôi giày ông làm cho khách hàng có hai chân lệch nhau tới 11 phân do tai nạn giao thông. Người khuyết tật thường chỉ lệch giỏi lắm là 4-5 phân, đằng này tới cả tấc. Đã vậy, cái chân ngắn hơn còn bị dị tật bẩm sinh nên bàn chân nhỏ hơn chân bên kia. Người khách hàng này đã đi nhiều chỗ, nhưng không ai chịu làm giày cho anh, nghe tiếng ông Ngọc, anh bèn tìm đến. Đắn đo lắm, nhưng ông cũng đành từ chối bởi “nói thiệt là yêu cầu khó quá!”. Nhưng nhờ duyên lành, đêm ông nằm suy nghĩ, chàng thanh niên này cùng tên với cháu mình. Cứ tưởng tượng đó là cháu mình, lỡ nó cũng bị khó khăn vậy, đi nhờ vả người ta mà bị từ chối, chắc nó buồn lắm. Vậy nên ông dốc tâm lực làm giày cho anh và kết quả không thể hoàn hảo hơn. Đó là đôi giày có ba chiếc. Chân bị tật có 2 chiếc giày, chiếc mang vào chân cách đế đúng 11 phân, phần đế được làm có mũi giày, cũng có thể được xem là chiếc giày thứ 3. Người mang chỉ cần mang vào, mặc quần dài phủ xuống, người ngoài nhìn vào không ai biết được anh ta bị dị tật bởi 2 mũi giày nhìn y chang nhau. Đây có lẽ là đôi giày mà ông làm lâu nhất trong suốt sự nghiệp vì mất tới một tháng, trong khi đôi bình thường chỉ mất từ 2-3 ngày. Nhờ đôi giày của ông mà chàng thanh niên này tự tin hẳn lên trong cuộc sống và công việc. Anh cũng đi làm, có thu nhập, lập gia đình, có vợ, có con như bao thanh niên bình thường khác. Vậy nên, trong các món quà Tết mà nhiều khách hàng tặng ông mỗi năm, không bao giờ thiếu món quà của vị khách hàng đặc biệt này. Bởi mới nói, “Đôi giày thay đổi cuộc đời” nghe tưởng đâu chỉ có trong truyện cổ tích là có thật.

Ông Ngọc là người rất tình cảm, nói chuyện với ông tôi thấy vậy. Có người học trò thương quý ông, tặng ông cái máy may mới nhưng ông không nỡ bỏ cái máy may cũ vì nó gắn bó với ông từ năm 1972 tới giờ.

Cũng như tình yêu quê hương, ông thương mảnh đất Sài Gòn lắm. Sống giữa Sài Gòn, cảnh đổi, người thay nhưng ông thương nhất ở Sài Gòn là tình người, là sự hào phóng dù thời gian qua đi cũng vậy. Phải nói dù sinh ra ở Bạc Liêu, lưu lạc nhiều nơi nhưng ông đúng là chân dung sống của con người Sài Gòn xưa, chân thành và hồn hậu. Những nhân vật có câu chuyện thú vị như ông ắt hẳn là nguồn tư liệu quý báu cho đám ký giả chúng tôi. Gần 90 tuổi, sức khỏe không còn nhiều, nhưng hễ có ký giả nào tới xin phỏng vấn viết bài, ông và bà xã cũng tiếp đón hết sức nồng hậu. Khi tiếp chuyện với ông, tôi cũng ngỏ lời tặng ông và bà xã cái gì đó, như lời cảm ơn, nhưng bà xã ông cười nói: “Không có gì đâu em, giờ bác với cô già rồi, giúp được ai cái gì thì giúp.” Tiếng “em” này là của một cô giáo, trước dạy Pháp văn ở trường Saint Paul, sau làm Hiệu trưởng trường Kết Đoàn, Quận 1, khi chưa về hưu.

Chúng tôi chỉ là đám ký giả tới xin thông tin, không phải tới đặt giày. Vậy mà khi ra về, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì cái yên xe máy của mình đã được bà xa ông bọc cẩn thận tự lúc nào, giữ cho yên xe đỡ bị nóng vì phơi ngoài nắng lâu. Sài Gòn giờ những người hồn hậu như vậy, còn mấy ai?!

TRĂN TRỞ CHUYỆN TRUYỀN NGHỀ

Một người tốt tính như nghệ nhân Trịnh Ngọc, chắc hẳn ông đã dốc công đào tạo cho biết bao nhiêu người. Nhưng để có một người thợ lành nghề, chịu sống với nghề và đưa nghề giày thành bộ môn vừa khoa học, vừa nghệ thuật như ông, chắc khó như… bắc thang lên trời.

“Truyền nghề thì bác truyền nhiều lắm rồi, nhưng quan trọng là người học có chịu làm hay không.” – ông đăm chiêu nói. Lần giở cuốn giáo án ngả màu, do chính ông soạn để đi dạy, mới thấy công phu nhường nào. Những năm được mời về đảm trách đào tạo tại Nhà máy Giày Sài Gòn ông đã tự soạn giáo án từ những kinh nghiệm bản thân bằng tiếng Pháp, rồi dịch qua tiếng Việt.

Ông Ngọc nói, đóng giày là một môn khoa học – science, bởi nó phải tính toán làm sao cho đôi chân người mang được thoải mái nhất, vì đôi chân là bộ phận quan trọng, chuyên chở cả một cơ thể trong suốt cuộc đời con người. Vậy nên những trang đầu trong giáo án là bản vẽ bộ xương bàn chân con người, cơ cấu phân bố trọng lực trên bàn chân, và các điểm hay bị đau khi mang giày… Rồi đôi giày mang không chỉ phải thoải mái mà còn phải đẹp. Nói tới cái đẹp, phải kể đến khóa học hội họa ông học ở École A.B.C de Paris. Những năm nghề giày gặp khó khăn, ông Ngọc từng tham gia học Hội họa bên Pháp, những tưởng đã chuyển nghề nhưng ông vẫn theo nghề làm giày và chính thời gian học hội họa đã hun đúc gu thẩm mỹ tinh tế, đưa ông vào hàng những người làm giày bậc nhất.

Qua trang các kiểu giày, ông minh họa với chúng tôi bằng kiểu giày kinh điển Oxford. Ông cắt nghĩa: “Giày này được gọi là Oxford là vì ở Anh hồi xưa, người vô trường Đại học Oxford học thường mang giày này. Đó là người Anh, người Pháp thì gọi là giày Richelieu. Đây là tên của đức Hồng Y giáo chủ trong tác phẩm “Ba chàng ngự lâm” của Alexandre Dumas. Trong truyện cả đời đức Hồng Y cũng chỉ mang kiểu giày này.” Nghe ông giảng giải, tôi thầm nghĩ thợ làm giày bây giờ, còn bao nhiêu người có kiến thức uyên thâm như ông?

Đó chỉ mới là phần kỹ thuật và kiến thức. Khi nói về mỹ thuật là nói về sáng tạo, ông Ngọc cho rằng kỹ thuật là cái khung, làm đúng là bạn làm không vượt khung, nhưng làm nên đôi giày đẹp và đi êm chân còn phụ thuộc vào sự sáng tạo và cái cảm của người làm nghề mà chỉ có thời gian và trải nghiệm mới đạt được. Ông ví dụ, cùng là một số đo, nhưng làm giày cho người có chân ốm và chân đầy đặn phải khác nhau, vì người có chân đầy đặn thì có lớp mỡ đệm ở giữa, khác với chân ốm. Hay có khách hàng hỏi ông, làm sao khi họ đi nước ngoài đặt giày, đo chân bằng máy đo kỹ thuật số, sự chính xác là không thể nghi ngờ, nhưng sao đi vẫn không êm bằng giày ông làm? Ông nói: “Bác nghe họ nói, suy nghĩ một hồi mới thấy, đúng là máy đo thì rất chính xác, nhưng nếu bàn chân chúng ta là khúc gỗ, thì đôi giày mang sẽ không sao. Nhưng bàn chân con người không phải khúc gỗ, nên không phải cứ đo chính xác là đi êm chân được.” Vậy nên để đạt được trình độ của ông Ngọc, chắc chắn người làm giày phải thật sự tận tâm và tận lực.

Tìm người để ông Ngọc truyền nghề là rất khó, bởi cách làm thủ công của ông hiện nay chỉ đạt tốc độ sản xuất 2 ngày/ 1 đôi, trong khi cuộc sống công nghiệp hóa, học trò ông có người làm xưởng cả mấy trăm đôi trong một ngày thì mới có ăn. “Thử hỏi khi bước ra ngoài kia là cuộc sống vật chất, thì còn mấy ai chịu theo nghề như bác và bác cũng không thể bắt họ làm giày theo cách của mình”, ông băn khoăn.

Đúng là bước ra ngoài kia là vật chất, một cuộc sống hòa bình rồi nên ai cũng lo làm kinh tế, bon chen và đầy cạnh tranh. Còn ông, một đời trải qua bao nhiêu binh biến, thăng trầm, chỉ mong an yên để được sống với đam mê làm giày.

Đến nhà ông, một căn nhà nhỏ đậm màu thời gian nằm ngay trung tâm Sài Gòn sầm uất, tôi như bước vào một thế giới thật sự khác biệt. Một nơi thật bình an, tự tại, đặt giữa một nơi thật xô bồ và hối hả. Như sự đền đáp cho tấm lòng nhân hậu của ông, ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng trời ban cho cả ông và vợ đều còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Chỉ mong đâu đó giữa biển người, có người có tình yêu đủ lớn để theo nghề, làm nghề đúng như ước vọng của ông.

Bài: Nhã Tâm

Nguồn: Tạp Chí Ngọc Viễn Đông, Summer 2020 Issue

Read more
Die Young Sống Hết Mình

Bắt nguồn từ trào lưu “hippie”, flared pants - hiện tượng văn hoá thời trang tại Mỹ những năm 60 Read more

View Comments (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published.

© 2021 Ngọc Viễn Đông Magazine. All Rights Reserved.