Now Reading
Xi-Nê Sài Gòn Xưa

Xi-Nê Sài Gòn Xưa

 

Ngày xưa người ta đi xem phim thảnh thơi, thoải mái, thú vị thế nhỉ. Người ta đến rạp quen nhau như dân ghiền cà phê đến quán quen. Cơm chiều xong, vợ chồng con cái, bạn bè tà tà dạo phố, thủng thỉnh ghé rạp, lại quầy vé lựa đúng chỗ ngồi ưng ý (quầy vé nào cũng có bản đồ ghế ngồi trong rạp, khán giả muốn ngồi xa, ngồi gần, bên phải bên trái tùy ý) rồi dắt nhau đi uống ly nước, hút điếu thuốc, canh giờ vào rạp, vì suất chiều rất đúng giờ. Kẹt quá thì mang tiếng bất lịch sự, vào trễ một chút cũng không thiệt thòi gì, vì trước khi vô phim chính còn phim thời sự, giới thiệu những phim sắp chiếu. Khán giả cũng biết rành các rạp thay phim mới vào sáng thứ ba hàng tuần, nhiều người có cái thú đi xem phim vào tối thứ Hai (tối thứ hai rạp thưa khán giả, máy điều hòa phả hơi mát lạnh, nếu gặp một phim vừa đẹp vừa buồn như Les dimanches de Ville d’Avray chẳng hạn, tan rạp ra lững thững thả bộ dọc đường Lê Lợi dưới trời lất phất mưa mới thú làm sao!).

 

Ngày đó, dường như rạp nào khách đó. Vô rạp chỉ để nói cười, ngủ gục, khách có thể chui vô Casino Đakao, Đại Đồng, Vườn Lài… Dân mê ca vũ nhạc Ấn Độ, có rạp Long Phụng, mấy ông nhóc khoái cao bồi, Zorro, Tarzan, hiệp sĩ đấu kiếm thì vô Long Thuận gào la thỏa sức…

Không thể xem suất tối thì ban ngày rạp nào cũng chiếu thường trực từ 8 giờ sáng. Nhưng mỗi suất chiếu chỉ cách nhau khoảng 15 phút, không hề có chuyện lo lắng cho khán giả đến mức phim ngắn hay phim dài gì cũng bắt khán giả nghỉ giải lao giữa phim để bán cóc ổi, cà rem… Mua vé vào rạp đều được kèm theo một tờ tóm tắt truyện phim, tên diễn viên, tên đạo diễn, hãng sản xuất. Nhiều phim trong tuần lễ ra mắt, khán giả sẽ được tặng hình diễn viên, ấn bản nhạc trong phim, và nhất là nhân viên đưa chỗ không cầm đèn pin rọi vào mặt khán giả mà múa múa.

Chủ rạp, hãng phim, công ty phát hành rất nhanh nhạy bắt mạch thị hiếu người xem. Tác phẩm về có nữ sinh 18 tuổi gây xôn xao văn học Pháp (Sài Gòn lúc đó đang có phong trào đọc Bonjour Tristesse – Buồn ơi chào mi) của F. Sagan, được đạo diễn Otto Preminger dựng thành phim. Phim chưa tới Sài Gòn, giới nhập phim và chủ rạp đã cho quảng cáo rầm rộ đến nỗi cái tên cô đào chính Jean Seberg và kiểu tóc “đau ban” trở nên phổ biến. Cũng như hai tên tuổi lạ hoắc Romy Shneider và Michelle Mercier, sau đợt quảng cáo trên báo để khán giả quen dần với hai người đẹp, là hàng loạt phim về cô công chúa dễ thương, Sissi, do Shneider đóng và liên tiếp những phim về số phận truân chuyên của nàng Kiều Tây, Angelique, được tung ra để khán giả mắc tương tư cô đào tóc vàng M. Mercier. Chẳng phải khen lối làm việc của họ là hay đâu. Nhưng nó có cái thú, cái thú là khán giả được se duyên với những ngôi sao mới. Tìm đến Phùng Há, Út Trà Ôn, Kim Cương… qua những tuồng tích cũ xì, vì tài nghệ của họ cũng có mà vì nhớ “cố tri” cũng một phần. Phim hay, giải thưởng quốc tế lu bu mà ế khách cũng một phần vì chẳng biết ông Tây bà Đầm đó là ai, họ xa lạ quá.

Nhớ ngày nào, thiên tài vắn số J. Dean để lại cho đời vẻn vẹn ba phim East of Eden (Phía Đông vườn Địa Đàng), Giant (Vĩ Đại), Rebel without cause (Nổi loạn vô cớ), ba phim trên chiếu đi chiếu lại từ rạp xịn máy lạnh ở trung tâm thành phố đến những rạp “máy nóng, đại lý rệp” mà khán giả ái mộ James Dean vẫn tìm gặp lại thần tượng của mình.

Khán giả ngày xưa khó tính ra gì chứ chẳng dễ bịp đâu. Họ biết đi xem ai, xem gì. Tên tuổi C. B. de Mille bảo đảm những tác phẩm rút cốt truyện từ kinh thánh. Những cánh đồng cỏ cháy và những chàng cao bồi miền Viễn Tây có trong phim của John Ford. Muốn “toát mồ hôi lạnh” thì tìm đến những thước phim trinh thám đầy trí tuệ của Alfred Hicthcock. Phim tươi mát trí thức kiểu Pháp, đã có Roger Vadim… Vì thế, người sống bằng nghề điện ảnh rất trân trọng tên tuổi đạo diễn. Nhiều khi trên quảng cáo (báo chí hoặc áp phích) chỉ đơn giản vài dòng: một phim của A. Hicthcock, tác phẩm của Fellini… Tên diễn viên nhỏ hơn, ở phía dưới.

Tuy nhiên, không phải phim nào của đạo diễn, diễn viên thân quen cũng được chấp nhận đâu. Phim La Vérité của Clouzot làm mưa làm gió ở phương Tây, cuốn phim minh chứng Brigitte Bardot ngoài thân hình vệ nữ còn có tài diễn xuất, cũng phim này trình làng ngôi sao đầy triển vọng của điện ảnh Pháp, Sami Frey. Nhưng khi La Vérité ra mắt khán giả Sài Gòn, một nhà báo phang ngay: “Phim dạy con gái làm đĩ, con trai làm du đãng”. Diễn viên thần tượng một thời Marlon Brando sản xuất, đạo diễn và đóng vai chính trong One eye Jack, khán giả từng ái mộ anh thẳng thắn phê: “Phim cao bồi hạng hai. Phần diễn xuất của Karl Marden trội hơn. Chỉ được phần hình ảnh, màu sắc đẹp”.

Vì “tình thân” mà khán giả có cái thú đi xem để so sánh. Thử xem tài nghệ của Mylène Demongeot có phần lấn sân được đàn chị Lana Turner trong cùng vai Milady, nhân vật nữ trong tác phẩm Ba người lính ngự lâm của Dumas? Người ta cũng chờ xem What ever happened to Baby Jane (Chuyện gì đã xảy ra cho Baby Jane) để thưởng thức tài nghệ tuyệt vời của hai diễn viên “cáo già” của Hollywood: Bette Davis và J. Crawford. Cũng như người ta nôn nóng đón chờ cuộc “đụng độ” của cải lương chi bảo Bạch Tuyết và Nữ hoàng điện ảnh Thẩm Thúy Hằng trong Như giọt mưa sa…

Trong cái thú của người dân Sài Gòn mê điện ảnh phải kể đến cái thú xem phim cũ ở rạp Lê Lợi. Ngày đó rạp Lê Lợi là điểm hẹn của dân mê ciné (đa số là sinh viên học sinh). Rạp xinh xắn, máy lạnh, giá vé rẻ và đặc biệt chỉ chiếu phim cũ, nhưng toàn phim hay, phim có giá trị nghệ thuật. Ở đây, bạn có thể xem đi xem lại O’cangacéro của Brasil, La viollettéra của Tây Ban Nha, Rashomon của Nhật, gặp lại nhiều lần Silvana Mangano, Sophia Loren, Gina Lolobrigida của Ý, Gretta Garbo, Marulyn Monroe, Jane Kelly … của Mỹ, Jean Gabin, Alain Delon, Michelle Morgan của Pháp… Ở đây bạn cũng có thể thưởng thức lại những tác phẩm kinh điển của các trào lưu điện ảnh thế giới như Rome la ville ourverte (La Mã, thành phố bỏ ngỏ) của Rossenllini, Le voleur de bicyclette của V. de Sica, Citizen Kane của Orson Wells. Bạn cũng có dịp xem tài nghệ của Charles Laughton và Maurene O’hara trong tác phẩm của Victor Hugo, Notre Dame de Paris, rồi chỉ vài tuần sau, cũng trên màn ảnh này Anthony Quin và G. Lolobrigida xuất hiện lại trong vai gã gù và cô Esmaralda xinh đẹp trong cùng tác phẩm, để bạn so sánh nét diễn của hai thế hệ diễn viên. Những tác phẩm tiêu biểu của các vua hề từ thời phim câm như Charlot, cặp mập và ốm Laurel – Hardy, anh em nhà Marx… cho tới Louis de Funès, Jerry Lewis, Fernandel… được chiếu lại thường xuyên… Hôm nay coi không kịp thì ngày mai. Phim mình thích, tuần này coi rồi tuần sau coi lại. Đã chưa?

Ngoài cái thoải mái vì giờ giấc ổn định, phim hay, rạp sạch, nhân viên rạp lịch sự, khán giả đồng điệu, còn một cái thú bắt buộc phải có khi thưởng thức một tác phẩm điện ảnh, đó là tất cả âm thanh phim phải được nghe trọn vẹn, vì nghệ thuật điện ảnh không phải chỉ thưởng thức bằng thị giác. Tiếng thuyết minh chỉ giúp khán giả hiểu truyện phim nhưng làm giảm nghệ thuật của tác phẩm. Chắc các bạn cũng đồng ý nhạc nền, thanh âm của diễn viên, tiếng động góp phần quan trọng trong sự thành công hay thất bại của một tác phẩm điện ảnh.

Bây giờ là thế hệ video, một phương tiện chiếu bóng tại gia, nhưng để thưởng thức một tác phẩm điện ảnh trọn vẹn không thể thiếu phim nhựa, không thể không tới rạp.

Mà tới rạp bây giờ…

Gần đây, Nhà Văn hóa Thanh Niên, rạp Phú Nhuận đã phục hồi được cung cách chiếu phim cho khán giả ghiền xi nê thứ thiệt.

Gì thì gì, video chỉ làm phong phú thêm nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân chứ không thể xóa sổ được phim nhựa, cơ quan hữu trách cần đầu tư xứng đáng cho phim nhựa, cho rạp. Đó cũng là cách đầu tư lâu dài vào nếp sống văn hóa của người dân.

Bài: Đặng Phi Bằng

Nguồn: Tạp Chí Ngọc Viễn Đông, Summer 2020 Issue

Read more
Người Trẻ Gìn Giữ Sài Gòn Phần 2

Những tưởng chỉ những người con sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn mới biết thương vùng đất này. Read more

Nhịp Sống Trẻ

Nơi khu chung cư cũ... Chung cư Tôn Thất Đạm là một địa chỉ quen thuộc với những người trẻ. Read more

Chè Sài Gòn, Muôn Vị Từ Muôn Nơi

Trời Sài Gòn nắng chang chang, được thưởng thức một ly chè chắc là “đã” lắm! Chợt nhớ ở Việt Read more

Ghé Chợ Đồ Cổ…

...tìm mua đồ cũ Phiên chợ đồ cổ là nơi bạn có thể tìm thấy bất kì món cổ vật Read more

View Comments (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published.

© 2021 Ngọc Viễn Đông Magazine. All Rights Reserved.