Now Reading
Người Trẻ Gìn Giữ Sài Gòn Phần 1

Người Trẻ Gìn Giữ Sài Gòn Phần 1

SÀI GÒN, CÀ PHÊ VÀ VỈA HÈ ƯỚT MƯA

Gặp Xuân Hương vào một buổi tối mát trời, trên bậc tam cấp vỉa hè đối diện với nhà hát thành phố. Tôi bất ngờ khi biết rằng Xuân Hương đã là khách quen của “quán cà phê” này ngót nghét chục năm. Sinh ra và lớn lên ở một khu chung cư giữa lòng thành phố, Xuân Hương tự nhận mình là một người rất yêu Sài Gòn. Cô gái 24 tuổi này kể cho tôi nghe rằng lần đầu tiên cô ngồi “cà phê bệt” là vào năm lớp 8. Ngon, rẻ và mát là những gì Xuân Hương miêu tả về thú ngồi cà phê vỉa hè. Bạn chỉ cần tốn khoảng 10 nghìn đồng cho một ly cà phê đen đá, một miếng báo lót để làm chỗ ngồi, và chỉ thế thôi! Không cần gì hơn nữa! Chào mừng bạn đến với cà phê bệt của Sài Gòn!

Người Sài Gòn thích uống cà phê, ai cũng biết. Người Sài Gòn hay rủ nhau lê la ngồi cà phê bệt. Chuyện cũng chẳng có gì mới. Nhưng một người trẻ Sài Gòn nói rằng họ muốn gìn giữ nét đẹp cà phê bệt của Sài Gòn thì là lần đầu tiên tôi được nghe. Xuân Hương bộc bạch: “Sài Gòn vươn mình phát triển từng ngày, những quán hàng rong lần lượt bị dẹp đi nhường chỗ cho một đô thị hiện đại. Lỡ đâu có một ngày, người ta cũng dẹp hết những quán cà phê bệt, cà phê vỉa hè như thế này, lúc đó, em không biết mình sẽ ngồi đâu uống cà phê nữa. Em không thích vào quán lớn, những nơi chỉ hợp để gặp gỡ đối tác hoặc làm việc thôi. Còn muốn hít thở không khí Sài Gòn, muốn nhìn ngắm đường phố và con người xung quanh thì phải ngồi cà phê bệt chứ. Bạn bè quốc tế của em đến thăm, em đều dẫn đi uống cà phê bệt. Phải ngồi ở ngoài đường thì mới biết được hết phố phường.”

Tự nhận mình “lớn lên với những đêm khuya ngồi cà phê bệt không ai”, Xuân Hương chia sẻ, cô yêu Sài Gòn từ những điều nhỏ nhặt mà chỉ khi ngồi ngoài đường, bạn mới có thể nhìn thấy. Và có lẽ cũng chính vì điều đó mà những quán “cà phê bệt” với cô là “một nơi kì diệu” (trích lời nhân vật).

“Ngồi cà phê bệt, anh có thể mặc đẹp, có thể không. Anh có thể là người giàu, cũng có thể không một xu dính túi. Nhưng tin em đi, ngồi cà phê bệt lâu năm, sẽ có một lúc nào đó anh thấy, thằng nhóc lượm ve chai mua ly cà phê hay chai nước suối mang lại cho ông ăn xin đầu đường. Tin em đi! Rồi anh sẽ thấy.”

Với Xuân Hương, cà phê bệt là nơi nhìn ngắm Sài Gòn trọn vẹn nhất.

NHỮNG CUỐN FILM LƯU MÀU THỜI GIAN

Người trẻ chơi nhiếp ảnh ở Sài Gòn không thiếu, nhưng người trẻ chơi nhiếp ảnh bằng máy phim thì chỉ có một cơ số nhất định. Và người trẻ chơi nhiếp ảnh bằng máy phim lấy Sài Gòn làm đề tài chủ đạo thì là hiếm! Jay Phan Hoàng được biết đến như một cái tên nổi bật trong số hiếm đó. Đến với nhiếp ảnh từ những tháng ngày còn cắp sách đến trường, Jay chia sẻ cô muốn “lưu giữ lại một Sài Gòn chân thật nhất qua từng tấm ảnh”. Với Jay và có lẽ với rất nhiều những bạn trẻ khác, nỗi lo về một ngày Sài Gòn rồi sẽ đổi khác đi dường như rất thật. “Anh nhìn đi, năm trước họ “khai tử” đường Tôn Đức Thắng, thương xá Tax, mất luôn bùng binh Quách Thị Trang là em đã thấy Sài Gòn “kì
cục” lắm rồi. Thử tượng tưởng vài ba năm sau nữa, em ví dụ, lỡ mà không còn hồ con rùa, không còn bưu điện thành phố thì anh em lấy gì để nhớ về Sài Gòn này ngoài những tấm hình, đúng không?”, Jay đưa ánh nhìn xa xăm và nói với tôi những câu như thế. Thật khó để tin rằng, giữa cuộc sống hiện đại với đầy rẫy những bộn bề này, lại có một người bạn trẻ yêu Sài Gòn như thế. Jay kể với tôi rằng khi mới bắt đầu tập tành cầm chiếc máy ảnh, Jay đã đạp xe vòng quanh Sài Gòn để chụp lại những toà nhà, những con phố. Người bạn này hí hửng khoe với tôi một trong những tấm hình cô tâm đắc nhất cho đến tận bây giờ, chính là tấm hình chụp chung cư Eden vào năm 2009. Một toà chung cư cũ kỹ giữa lòng thành phố, ngày hôm nay, đã là một trung tâm thương mại đồ sộ và xa hoa. “Anh thấy nhiếp ảnh có hay không? Cho dù bây giờ ở góc đường Đồng Khởi đó không còn chung cư Eden nữa nhưng trong tấm hình của em thì còn và sẽ luôn luôn còn”, Jay vừa nói vừa cho tôi xem hình. Tất cả những tấm ảnh của Jay về Sài Gòn đều có một màu sắc rất lạ và riêng, không chỉ bởi nó được chụp bằng máy phim, mà còn vì những tấm ảnh đó đã được Jay ghi lại bằng tất cả tình yêu chân thành của một người con Sài Gòn dành cho chính mảnh đất thân thương này. Mặc kệ ngày mai có thay đổi ra sao, những tấm ảnh Jay chụp Sài Gòn hôm nay, cùng tôi, vẫn sẽ luôn là như thế. Và tôi cũng tin, tình yêu Jay dành cho máy ảnh phim và Sài Gòn vẫn sẽ luôn là như thế dù có bao nhiêu năm tháng nữa đi qua.

Jay lưu giữ Sài Gòn qua từng tấm ảnh.

NHÀ “SÀI GÒN HỌC” 9X

Lê Bình Phương Gia Bảo là một hướng dẫn viên du lịch tiếng Đức ở Sài Gòn. Người bạn với cái tên đặc biệt này đã làm nghề được gần ba năm và tôi tin chắc là chỉ cần một buổi cà phê với Bảo, bạn sẽ biết được gần hết những câu chuyện thú vị về Sài Gòn. Gia Bảo tốt nghiệp chuyên ngành du lịch, khoa tiếng Đức trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Cái duyên đến với du lịch cũng một phần bắt nguồn từ cái tính thân thiện của cô gái người Sài Gòn gốc này. Lớn lên giữa những con phố sầm uất ở khu Chợ Lớn, Gia Bảo từ nhỏ đã được nghe rất nhiều câu chuyện về hai chữ “Sài Gòn.” Gia Bảo chia sẻ tình yêu Sài Gòn trong cô được nuôi dưỡng rất tự nhiên. Từ những tháng ngày thơ ấu theo mẹ dạo quanh khắp chợ Lớn (chợ Bình Tây bây giờ), cho đến lúc đi học Đại học được nghe thầy kể về những câu chuyện Sài Gòn. Và hôm nay, khi đã là một hướng dẫn du lịch, chính Gia Bảo đang truyền lại tình yêu Sài Gòn của mình đến cho thập khách tứ phương. “Làm nghề này vui lắm! Mình được gặp, được trò chuyện với nhiều người, đủ mọi quốc tịch, lứa tuổi và nghề nghiệp. Được kể họ nghe những gì mình biết, được chia sẻ những kiến thức đến từ mọi người xung quanh. Và hơn hết, mình nghĩ chính tình yêu Sài Gòn đã giúp những câu chuyện của mình “có hồn” hơn. Thật ra, hướng dẫn viên nào cũng có bấy nhiêu đó bài thôi (cười), nhưng truyền tải nó đến khách hàng như thế nào mới là điều quan trọng”, Gia Bảo trả lời khi được tôi hỏi về nghề. Cô bạn chia sẻ, đi “tour” ở Sài Gòn nhiều đến nỗi được mấy cô chú bán đồ lưu niệm, mấy anh bảo vệ nhớ mặt luôn. Mấy đợt mùa thấp điểm không đến, khi ghé lại, mọi người ai cũng hỏi thăm. Vậy thôi là tự nhiên thấy vui. Càng đi nhiều, gặp nhiều, biết nhiều, Bảo lại càng thấy yêu mảnh đất này nhiều hơn. Trên hành trình làm nghề của cô bạn này, những câu chuyện thú vị về văn hoá Sài Gòn cứ thế mà dày lên mỗi ngày. Gia Bảo nói với tôi như một hướng dẫn viên đang thuyết trình: “Mỗi lần bật lên hai tiếng “Sài Gòn”, mình cứ thấy lòng bồn chồn. Mình từng có cơ hội ghé thăm và thuyết trình về Singapore, về Đức, nhưng cảm giác đó hoàn toàn khác với cảm giác mình đứng trước Nhà thờ Đức Bà và kể về một Sài Gòn từng được mệnh danh là “hòn Ngọc Viễn Đông. Đi xa cũng thích đấy nhưng không biết sao mình vẫn “ghiền” cảm giác được nói về Sài Gòn hơn.”

30 phút trò chuyện với Gia Bảo, tôi bỗng thấy Sài Gòn thân thương đến lạ. Ly nước mía chiều nay bỗng ngọt lịm khi tôi vừa nhâm nhi vừa nghe cô bạn kể về một Sài Gòn với những “keywords” rất Sài Gòn: “muốn cho nhiêu cho”, “trà đà miễn phí”, “gạt chống anh ơi”. Ngồi ở một vỉa hè, dưới tán cây xoè rộng trên đường Nguyễn Du, tôi đưa mắt nhìn dòng xe vẫn tấp nập hối hả. Không biết trong đó có bao nhiêu bạn trẻ như Xuân Huơng, Jay Phan Hoàng hay Gia Bảo vẫn đang từng ngày miệt mài trên hành trình gìn giữ hai tiếng “Sài Gòn” thân thương đó. Bỗng tôi lại nhớ một câu nói của Xuân Hương mà có lẽ chính tôi bây giờ cũng đã như thế rồi: “Em yêu Sài Gòn, như một mối tình khó có thể rứt bỏ”.

Càng đi nhiều, Gia Bảo càng yêu Sài Gòn nhiều hơn.

Bài: Hương Nguyễn

Nguồn: Tạp Chí Ngọc Viễn Đông, Spring 2020 Issue

Read more
Dấu ấn Việt Nam trên các thương hiệu quốc tế xa xỉ
Dấu ấn Việt Nam trên các thương hiệu quốc tế xa xỉ

Trong những năm gần đây, Việt Nam đang ngày càng trở thành một thị trường tiềm năng đối với các Read more

Năm Tý, nhớ câu: “Chuột kêu rúc rích trong rương Anh đi nhè nhẹ, đụng giường má hay.”

Ngày nay, nhất là ở thành phố, thấy chuột chạy, nghe chuột kêu, sẽ có người hoảng hốt. Nhưng xưa Read more

Sài Gòn Notre Dame Cathedral

Vương cung thánh đường đầu tiên ở Việt Nam là một kiệt tác kiến trúc cổ kính của sự giao Read more

Sài Gòn Có Gì Mới?

Sài Gòn, tiếng gọi thân thương trải dài qua 300 năm có lẻ, hôm nay đã khoác lên mình một Read more

View Comments (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published.

© 2021 Ngọc Viễn Đông Magazine. All Rights Reserved.